Tài liệu tham khảo soạn bài Ông đồ dành cho giáo viên và học sinh

Hướng dẫn soạn bài Ông đồ, Mỗi năm tết đến, nhìn người ta bày bán hoa đào, câu đối đỏ tôi lại nhớ đến hình ảnh Ông đồ trong thơ của Vũ Đình Liên. Ông đồ hiện lên với những câu từ gợi hình ảnh thật đẹp:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

tiepsucmuathi.edu.vn cập nhật tài liệu dưới đây để hướng dẫn cách soạn bài Ông đồ cho giáo viên và học sinh cùng tham khảo:

Đọc – hiểu văn bản

Câu 1.  Bốn khổ thơ đầu khắc họa hình ảnh ông đồ trong cùng mốc thời gian đó là mùa xuân, gắn liền với “giấy đỏ”, “mực tàu” nhưng đã ở hai cảnh ngộ khác nhau. “Mỗi năm hoa đào nở” – đó là dấu hiệu của mùa xuân về. Với “mực tàu giấy đỏ”, những câu đối Tết… ông đồ là hình ảnh quen thuộc, không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh mùa xuân, khi Nho học còn thịnh hành: “Mỗi năm … lại thấy”. Không gian xung quanh gợi vẻ ấm cúng thiêng liêng, đó là không gian của hoa đào nở tươi mới, của mực tàu sóng sánh, của giấy hồng điều giản dị… Vài ba nét phác họa đơn sơ, chân dung ông đồ già hiện lên với tất cả vẻ đẹp thanh tao cao khiết… Ông đồ như hòa vào, góp vào sắc màu rực rỡ, không khí rộn ràng của phố phường đón Tết. Mực tàu, giấy đỏ của ông như hòa vào màu thắm của hoa đào nở, sự có mặt của ông đã thu hút bao nhiêu người. Đành rằng, với một kẻ sĩ, bán chữ – thứ cử chỉ để răn dạy, ngâm vịnh và cho nhau, là cực chẳng đã. Song chữ ông còn được trọng, tài ông còn được khen, ông như một phần thiêng liêng của cuộc sống, một phần tôn vinh của mọi người. Bao nhiêu người tìm đến ông thuê viết chữ, hơn thế, để thưởng thức sự tài hoa, để ái mộ tâm lực của ông. Vậy cũng đủ an ủi ông rồi. Bởi đó là cái tình của người đời. Vả lại “Bày mực tàu giấy đỏ” là ông đã chấp nhận thành kẻ bán và chữ là hàng hóa. Đã là hàng hóa thì cần có người mua đông.
Nếu 2 khổ đầu khắc họa hình ảnh ông đồ trong thời kỳ đắc ý, thời kỳ mà Tết đến, mọi người đều mua câu đối đỏ hay vài chữ nho trên giấy hồng điều để dán lên vách, cột nhà trang hoàng nhà cửa ngày Tết và mong lời chúc Tết lành, thì hai khổ tiếp là hình ảnh ông đồ đã ở kì mạt vận. Vẫn là ông đồ ngày xưa, vẫn là giấy đỏ, là nghiên, là mực nhưng sao không gian đó buồn thảm và trống vắng vậy. Còn đâu giấy thắm mực đượm mà chỉ là:  Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu Giấy mực bẽ bàng trong tàn phai tủi sầu. Một loạt từ ngữ cùng trường nghĩa gợi vẻ đẹp tàn lụi buồn bã: buồn, không thắm, đọng, sầu. Nếu trước là “Bao nhiêu người thuê viết” thì nay “Người thuê viết nay đâu”. Ông đồ bị đẩy ra ngoài lề xã hội, rơi vào quên lãng. Bởi một thị hiếu thẩm mỹ đã chết một phong tục văn hóa vì bỏ quên, bởi một thời đại đã đổi thay, bởi người đời vô tình vô cảm. Khổ 4 vẽ ra một sự đối lập giữa cái tĩnh và cái động: Ông đồ – người qua đường Giấy – lá rơi, mua bay Tạo nên dáng vẻ bó gối bất động của ông đồ. Ông đồ ngồi đấy, như một pho tượng, bên trang giấy bị phủ lá vàng. Mắt buồn rầu, ngơ ngác nhìn qua màn mưa bụi phủ mờ dòng người qua đường… Đoạn thơ lời ít mà cảnh hiện ra như thước phim nổi đặc tả giàu sức gợi. Nơi đất trời là mưa bụi, lá vàng rơi, nơi xã hội là người qua đường, còn nơi ông đồ là bút sầu mực tủi, giấy không thắm. Tất thảy đều vô tình, lạnh lùng trước những giá trị coi là xưa cũ. Sự đối lập hai cảnh ngộ của ông đồ đã gợi lên bóng dáng tiêu điều của một nền học thuật, của một truyền thống văn hóa khi đối chạm với nền văn hóa hiện đại tư sản phương Tây. Chính sự tương phản giữa hai cảnh tượng đó gợi cho người đọc nỗi ngậm ngùi xót thương cho tình cảnh ông đồ: Còn duyên kẻ đón người đưa Hết duyên đi sớm về trưa một mình.

Câu 2. Cảm xúc của tác giả là sự kết hợp giữa lòng thương người và tình hoài cổ. Cảm xúc đó được biểu lộ kín đáo qua những hình ảnh miêu tả, có khi lại được tác giả phát biểu trực tiếp, nhưng chủ yếu được toát ra từ giọng điệu ngậm ngùi của bài thơ. Cụ thể, đó là những cảm xúc: – Ngưỡng mộ nét tài hoa của một thế hệ nhà Nho, trân trọng nét đẹp văn hóa một thời của dân tộc. – Cảm thương, xót xa trước sự tàn tạ của thân phận con người. – Luyến tiếc, nhớ nhung cảnh cũ người xưa nay đã vắng bóng. Đây là những trạng thái của cảm xúc đậm chất nhân văn, đánh động trong ta lòng xót thương số phận hẩm hiu của con người, nỗi buồn hoài cổ, nuối tiếc một nét đẹp của đời sống tinh thần dân tộc một thời, chạm đến một vấn đề có tính lịch sử, văn hóa: bi kịch của sự gặp gỡ Đông – Tây.

Câu 3. Cái hay của bài thơ nằm ở mặt nội dung và nghệ thuật, cũng như sự thống nhất hai mặt đó. a. Về mặt nội dung, thi phẩm đề cập đến vấn đề phổ quát, có tính vĩnh cửu: số phận con người trong sự đổi thay của cuộc đời. Vấn đề đó lại gắn chặt với niềm tiếc thương một nét đẹp văn hóa dân tộc khiến cho cảm xúc trong bài càng sâu sắc, mở rộng. Nội dung cảm xúc đó tìm đến một hình thức nghệ thuật tương ứng. b. Về mặt nghệ thuật: – Thể thơ ngũ ngôn được sử dụng, khai thác có hiệu quả nghệ thuật cao. Thể thơ này có khả năng biểu hiện phong phú, có thể tự sự (kể chuyện), miêu tả, triết lí… như nhiều thể thơ khác, nhưng dường như thích hợp nhất với việc diễn tả tâm tình sâu lắng. Giọng chủ âm của bài thơ là trầm lắng, ngậm ngùi, phù hợp với việc diễn tâ tâm tư, cảm xúc nhà thơ. – Kết cấu bài thơ giản dị mà chặt chẽ, có nghệ thuật. Đó là kết cấu đầu cuối tương ứng và có hai cảnh tượng tương phản sâu sắc cùng miêu tả ông đồ ngồi viết thuê bên lề phố ngày Tết, cách kết cấu ấy đã làm nổi bật chủ đề bài thơ, thể hiện tình cảm thất thế, tàn tạ đáng buồn của ông đồ một cách đầy ám ảnh. – Ngôn ngữ bài thơ trong sáng, bình dị, đồng thời hàm súc, dư ba. Hình ảnh thơ cũng vậy, không có gì tân kỳ, “độc đáo” nhưng đầy gợi cảm. Chẳng hạn những câu Giấy đỏ buồn không thắm – Mực đọng trong nghiên sầu, hoặc Lá vàng rơi trên giấy – Ngoài trời mưa bụi bay, có thể coi là toàn bích, là y tại ngôn ngoại. Chính vì chắt lọc, tinh luyện mà bài thơ tuy chỉ có một hình thức bình dị khiêm nhường, đã có một sức truyền cảm nghệ thuật và sức sống mạnh mẽ, lâu dài.

Câu 4. Đây là những câu thơ hay nhất trong bài, thể hiện được tập trung nhất cảnh ngộ cũng như tâm trạng của ông đồ. Thơ tả cảnh mà chính là để bộc lộ tâm trạng.  Cảnh ngộ của ông đồ giờ đây đã khác trước, bị rơi vào quên lãng. Vì vậy, ông đồ vẫn ngồi đấy nhưng bút chẳng cầm được, giấy chẳng được chạm. Vậy nên: Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu Nỗi buồn tủi lan sang cả những vật vô tri vô giác. Tờ giấy đỏ cứ phơi ra đấy mà chẳng được đụng đến trở thành bẽ bang, màu đỏ của nó trở nên vô duyên, không thắm lên được, nghiên mực không được bút lông chấm vào nên đọng lại bao sầu tủi của con người thấm vào trong những vật dụng ngày thường. Đến khổ thơ sau, trên giấy đỏ ấy lại lác đác lá vàng. Lá vàng rơi trên giấy Ngoài trời mưa bụi bay Lá vàng rơi vốn đã gợi sự tàn tạ, buồn bã, đây lại rơi trên tờ giấy dành viết câu đối của ông đồ và nằm tại đó vì giấy chưa được dùng đến. Ông đồ ế khách. Những chiếc lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng vẻ bất động bó gối của ông đồ ngồi nhìn mưa bụi bay. Chỉ là mưa bụi bay rất nhẹ mà sao ảm đạm và lạnh lẽo vậy. Mưa của thiên nhiên hay trong chính cõi lòng ảo não của con người? Dường như đất trời cũng ảm đạm, buồn não ruột với cảnh ngộ ông đồ.

Cho đến tận bây giờ hình ảnh Ông đồ vẫn luôn in sâu trong tâm trí mỗi con người chúng ta, mỗi mùa tết đến nhìn cảnh người tấp nập buôn bán ta lại mường tưởng ra một hình ảnh ông đồ đang ngồi bên góc phố vẽ nên những câu đối đỏ trong hương mực tàu tươi mới. Với tài liệu mà tiepsucmuathi.edu.vn cập nhật chúc các bạn soạn bài Ông đồ đầy đủ và học tập tốt. 

 

Related Posts

Hướng dẫn làm thơ lục bát và song thất lục bát hay dành cho mọi lứa tuổi

Nói đến thơ lục bát chắc hẳn ai cũng từng được đọc và được nghe bởi nó vẫn luôn hiện lên xung quanh cuộc sống của chúng…

Soạn bài: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Soạn bài: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Soạn bài: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Mấy ý nghĩ về thơ

Soạn bài: Mấy ý nghĩ về thơ

Soạn bài: Mấy ý nghĩ về thơ

Soạn bài: Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX

Soạn bài: Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX

Soạn bài: Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX

Soạn bài: Đô-xtôi-ép-xki

Soạn bài: Đô-xtôi-ép-xki

Soạn bài: Đô-xtôi-ép-xki

Hồ Chí Minh

Soạn bài: Tác giả Hồ Chí Minh

Soạn bài: Tuyên ngôn độc lập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.